Skip to main content

[CẢM NGHĨ CÁ NHÂN VỀ HAI NHÂN VẬT CHÍNH CỦA BẠCH DẠ HÀNH]

Warning: Bài viết có spoil về nội dung truyện!
#Bạch_dạ_hành
Vì sự tham lam, ích kỉ và dục vọng bẩn thỉu, tởm lợm của những kẻ mà Yukiho và Ryoji gọi là cha, là mẹ mà hai đứa trẻ đáng thương, hai tờ giấy trắng ấy đã bị vò nát, chà đạp biến thành hai tâm hồn méo mó, vẹo vọ, biến thái và nguy hiểm. Không biết trước thời điểm đó xảy ra, Yukiho và Ryoji có chút gì gọi là tuổi thơ hay không nhưng kể từ thời điểm Keigo bắt đầu kể câu chuyện đó, tôi cảm thấy chúng tuy đáng thương nhưng cũng thật ranh ma, máu lạnh và đáng sợ.


Xuyên suốt tác phẩm, Keigo đã không cho Yukiho và Ryoji giao tiếp với nhau bằng bất kỳ câu thoại nào, giữa họ không hề có một ánh mắt giao nhau hay xuất hiện cùng một khung hình trừ vài phút ở đoạn cuối. Hai con người với hai cuộc đời vô cùng khác biệt: một cuộc đời hoàn hảo, đẹp đẽ, thanh tao không tì vết với biết bao thành công và sự ngưỡng mộ song hành. Và một cuộc đời tăm tối, nhìn vào chỉ thấy toàn những vết ố đóng mảng thành một màu đen kịt đáng sợ. Chẳng ai có thể ngờ rằng hai con người đó, hai cuộc đời đó lại có mối quan hệ mật thiết với nhau để bảo vệ và nâng đỡ bản thân, nâng đỡ nhau như “cá bống trắng và tôm pháo”. Đây gọi là sự cộng sinh thuần túy chống lại sự nghiệt ngã của số phận hay trò mèo mả gà đồng quả thật tôi cũng không rõ.


Với ngoại hình nổi bật, tính cách dễ mến và một bộ não thông minh cùng sự tinh tế, khéo léo hơn người, Yukiho đã tạo nên một lớp vỏ bọc vô cùng đẹp đẽ và hoàn hảo. Nhờ đó, cô ta đã chiếm được tất cả sự tin cậy và trung thành của những người xung quanh mình. Dù rằng tất cả những người có liên quan đến Yukiho đều phải gánh chịu bất hạnh nhưng lại chẳng một ai mảy may nghi ngờ gì ngoại trừ Eriko và Shinozuka. Eriko tuy có chút cảm giác gì đấy về bạn mình nhưng Yukiho đóng kịch quá khéo đến nỗi Eriko phải tự trách móc bản thân mình là nhạy cảm quá, nghĩ oan cho bạn. Chỉ có Shinozuka là tin vào giác quan của mình, không tiếc công đi khám phá, thuê người điều tra và kết cục là thám tử anh ta thuê bị giết mất xác, gia đình anh họ và công ty của anh ta thì bị đảo lộn, xáo trộn.


Nếu như ban đầu, tôi cảm thấy thương cảm và khâm phục trước cô bé Yukiho đầy nghị lực, biết vượt qua nỗi đau mất mẹ để sống tiếp một cách tử tế bao nhiêu thì càng về sau tôi càng thấy ghê tởm cô ta bấy nhiêu. Nhân vật Shinozuka dùng từ “ti tiện” để nhận xét về Yukiho quả thật không sai chút nào. Ban đầu, ta có thể chấp nhận được sự trả thù của Yukiho với một cô bạn cấp 2 vì cô này tung tin nói xấu Yukiho với cả trường, lại là đối thủ học tập của cô ta vì đó là sự ăn miếng, trả miếng nhưng về sau, không chỉ ra tay với những kẻ ngáng đường, Yukiho còn hãm hại cả những con người vô tội như cô bạn Eriko hiền lành, thật thà chỉ vì ghen tức khi cô ấy bắt đầu trở nên xinh đẹp và được yêu mến khiến cả đời Eriko chỉ có thể sống một cách mờ nhạt, lòa nhòa và không bao giờ có được hạnh phúc đích thực. Yukiho đã giết chết cả người mẹ nuôi đã cưu mang cô trong lúc hoạn nạn, không người thân thích, người đã cho cô ta một mái ấm, một sự giáo dục tử tế và tình thương yêu vô bến bằng cách rút ống thở khi bà đang nằm trong giường bệnh. Cô ta còn dàn xếp cả một vụ cưỡng hiếp đối với con gái riêng của chồng, một cô bé ngây thơ, trong trắng, mới chỉ mười lăm tuổi, đã mất mẹ và giờ dần đang cảm thấy mất cả cha và gia đình, chỉ vì cô bé này không ưa và chống đối Yukiho…. Nhưng ác nghiệt thay, với tài năng kịch nghệ đại tài của mình, Yukiho lại khiến cho những nạn nhân tưởng nhầm cô ta là người tốt, là người cùng phe với mình và trở nên trung thành với cô ta vô điều kiện. Phải công nhận Yukiho một nhân vật vô cùng thủ đoạn và dã tâm nhất trong số các tác phẩm mà tôi từng đọc.


Khi nghiên cứu về tâm lý con người, tôi được biết con người thường có hai luồng tâm lý khi bị đối xử tệ bạc: một là mong muốn những người xung quanh không phải chịu đau khổ giống mình, hai là muốn mọi người đều phải chịu những tổn thương mà mình từng chịu, nói cách khác là muốn “trả thù đời”. Yukiho thuộc dạng thứ hai, ngoài việc đá phăng những kẻ gây trở ngại trên con đường rực rỡ đầy hoa hồng của mình, cô ta còn ích kỉ không muốn ai hơn mình, dù cho họ có đối xử với cô ta tốt đến thế nào đi nữa. Những vết thương và những nỗi đau do người lớn gây ra trong quá khứ không chỉ cướp mất tuổi thơ, sự hồn nhiên của Yukiho mà còn cướp mất tính người, biến cô ta thành một con quái vật ích kỉ, đáng sợ, vô lương tâm, vô nhân tính, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình.

Thanh tra Sasagaki ví mối quan hệ của Yukiho và Ryoji là “tôm pháo và cá bống trắng. Theo định nghĩa trên Wikipedia thì: “Tôm pháo chủ động chia sẻ hang của mình cho cá bống trắng còn cá bống trắng thì có vai trò gác cổng cho cả hai. Khi có dấu hiệu nguy hiểm, cá bống sẽ thực hiện một động tác quẫy đuôi đặc biệt để báo hiệu cho tôm pháo”, vậy xét theo định nghĩa thì Yukiho chính là tôm pháo còn Ryoji chính là cá bống trắng. Ryoji chính là người canh gác, bảo vệ và dọn dẹp những lộn xộn xung quanh Yukiho.

Xuyên suốt câu chuyện, bàn tay của Ryoji đã nhúng chàm không biết bao nhiêu lần, anh ta sẵn sàng làm những chuyện bẩn thỉu, tởm lợm, đáng khinh và dơ bẩn mà không màng đến hậu quả hay đến những thương tổn mà nạn nhân phải chịu đựng vì Yukiho, sẵn sàng lui vào bóng tối để làm trợ thủ đắc lực giúp cô ta tỏa sáng mà không cần đền đáp. Liệu đây chỉ là sự công sinh thuần túy hay là tình yêu vô bờ bến mà Ryoji dành cho Yukiho?


Ban đầu, tôi có suy nghĩ hai con người này chỉ cộng sinh để chống lại sự nghiệt ngã của số phận, Ryoji làm tất cả cho Yukiho để mong muốn chuộc lại phần nào tội lỗi đê hèn của người cha xấu xa năm xưa nhưng tới khi anh ta cưỡng hiếp bé Mika, con gái riêng của chồng Yukiho, tôi không thể nào hiểu được nữa. Anh ta hận cha mình khi biết ông ta chiếm đoạt thân xác của Yukiho, khiến cô đau khổ và để góp phần chuộc tội, anh ta cưỡng bức con gái riêng của chồng Yukiho theo yêu cầu của cô ta. Lấy một tội ác để bù đắp cho một tội ác khác, một thứ logic không thể nào lý giải nổi, chỉ có những suy nghĩ méo mó, vẹo vọ mới có thể dẫn dắt cho một hành động nhẫn tâm như vậy. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy có cảm tình với Ryoji hơn là Yukiho bởi trong khi Yukiho còn có mẹ nuôi cho cô một cuộc sống tử tế, Ryoji lại phải tự thân bươn chải với cuộc đời, không có nơi nào bấu víu làm điểm tựa tinh thần ngoại trừ hình ảnh Yukiho thoắt ẩn thoắt hiện. Và ít ra cậu ta còn có nhân tính, còn biết sống vì người khác và thật lòng chúc phúc cho những người mà cậu ta quý mến.


Trong truyện Yukiho từng nói: “Có một số người, cả đời đều sống dưới ánh mặt trời rực rỡ, lại có một số người không thể không sống trong đêm đen tăm tối”. Tôi lại có suy nghĩ khác với cô ta, sống trong ánh mặt trời rực rỡ hay đêm đen tăm tối là sự lựa chọn của mỗi người. Với trí thông minh tuyệt vời của Yukiho và Ryoji, họ hoàn toàn có khả năng tự tạo cho mình một cuộc sống mới, sáng sủa và tưoi đẹp hơn mà không phải hãm hại người khác hay luồn lách trước pháp luật nhưng ngoài những bóng ma và vết thương trong quá khứ, chính bản thân hai người họ đã tự chọn cuộc sống trong đêm đen tăm tối đó. Giá như họ sớm quay đầu lại, giá như họ không phải là nạn nhân của những bậc cha mẹ có tâm hồn quỷ dữ, có lẽ câu chuyện đã không thương tâm đến thế, đã không kéo theo hàng loạt nhân vật phụ phải chịu đau đớn theo họ như thế.
(Bài Review sách đặc sắc này là của bạn Ánh Chu, đăng trong hội Bàn về sách)
Ghé thăm reviewsach.net để xem thêm những bài review sách hay mỗi tuần!!!

Comments

Popular posts from this blog

Tiếng gọi nơi hoang dã - Tuyệt phẩm của nhà văn Jack London

“Tiếng gọi nơi hoang dã” là một tuyệt phẩm kinh điển của nhà văn đại tài người mỹ Jack London. Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc hành trình tìm về cuội nguồn hoang dã nguyên thủy của chú chó Buck. Từ một chú chó thuần hóa vốn sống yên bình với con người, chú dần tìm về với cuộc sống thiên nhiên hoang dại của một con sói, do dòng dời đưa đẩy và số phận nghiệt ngã mà chú phải trải qua. Tôi không mấy ấn tượng khi đọc những trang đầu của cuốn sách, nhưng khi càng  lật, tôi càng bị cuốn hút bởi ngòi bút của tác giả, tình tiết càng lúc càng gay cấn và khắc nhiệt. Tuy nhiên, trong mạch truyện vẫn có những khoảng “êm dềm” để tôi được nghỉ ngơi và thư giãn cùng với Buck trước khi tiến tới những cuộc hành trình và những biến cố tàn khốc hơn. Rồi những trận chiến khốc liệt của những con thú, những cơn khát máu, tác giả khiến cho tôi cũng phải điên dại theo cái cách mà ông miêu tả. Đúng như cái tên “ tiếng gọi nơi hoang dã”, nó khiến người đọc như đang bị mời gọi vào cái thế giới hoang dã của b...

[Charles Dicken] Những kỳ vọng lớn lao – Hành trình trưởng thành đi lên từ tuổi thơ đầy nỗi sợ hãi

Tác phẩm là cả thế giới trong Pip trẻ thơ, Pip biến đổi, Pip vận động, Pip hoàn thiện. Những kỳ vọng lớn lao là một câu chuyện kỳ lạ, ly kỳ nhưng đầy sự bình dị, giản đơn và đầy tính xây dựng. Tuổi thơ của Pip – lò rèn của Joe, Tuổi trẻ […] The post [Charles Dicken] Những kỳ vọng lớn lao – Hành trình trưởng thành đi lên từ tuổi thơ đầy nỗi sợ hãi appeared first on Reviewsach.net .

[Sử Việt 12 khúc tráng ca] Góc nhìn của một admin group hội yêu sách

Mình ít khi copy bài, mà đã copy thì toàn là bài viết tâm đắc. Dưới đây là một bài viết tâm đắc như thế. Bài viết này của admin Trần Hùng đăng trong hội Bình Thư Quán Bài viết nêu cảm nhận về cuốn sách đang hot hiện nay: Sử Việt 12 khúc tráng ca  Trước hết, tôi phải quán triệt rõ, trong gúp có cả fans của Phan & anti-fans của Phan, nhưng nếu các anh chị muốn tranh luận, mời tranh luận lịch sự & văn minh chứ đừng đá cá nhân, nếu không một đao bay đầu đừng trách tôi hạ thủ bất lưu tình (cái này là đề phòng trước, không ý tứ gì hết). Sau nữa, tôi cần khẳng định, đây không phải 1 cuốn biên khảo lịch sử, cũng không phải 1 cuốn tiểu thuyết lịch sử. Nó nằm giữa cái khoảng đó, nằm giữa cái khoảng học thuật & hư cấu. Tôi sẽ gọi nó là 1 tập những chuyện kể lịch sử. Thực tế, sau khi đọc xong cuốn này, tôi thừa nhận tác giả & ê-kíp làm sách đã có lựa chọn khôn ng...